Chào mừng quý vị đến với diễn đàn

THẨM MỸ ÂM NHẠC

Làm thế nào để hoàn thiện giọng hát (nhận định của nhạc sĩ Quốc Dũng)

admin

Đắc Tâm
Thành viên BQT
Tham gia
16/8/18
Bài viết
1,341
Điểm
113
Tuổi
71
Nơi ở
Saigon
Website
www.thammyamnhac.com
(Trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Dũng - bài viết của Anh Nguyễn)

QuocDung.jpg

nhạc sĩ Quốc Dũng

Làm thế nào để hoàn thiện giọng hát?

Âm nhạc là loại hình có ma lực đặc biệt đối với giới trẻ. Nhiều bạn trẻ không chỉ thích nghe nhạc mà còn thích hát, thích khẳng định mình, và hơn thế, thích trở thành ca sĩ. Cuộc thi VietNam Idol đã từng thu hút được số thí sinh tham gia kỷ lục. Tuy thế, qua những cuộc thi, qua những gì các giọng ca trẻ thể hiện trên sân khấu, ở các quán bar, phòng trà và trong các album đầu tay của mình, người nghe vẫn có thể dễ dàng nhận ra cách hát của họ vẫn còn bộc lộ nhiều điều hạn chế.

Không phải họ không muốn hoàn thiện cách hát của mình, nhưng trong bối cảnh thiếu vắng những trung tâm đào tạo nhạc nhẹ chuyên nghiệp, nhiều ca sĩ trẻ cho biết họ thật sự lung túng và chỉ còn biết tự đào tạo theo kiểu biết đến đâu thực hành đến đấy, miễn sao được hát, được xuất hiện thường xuyên trên các sàn diễn.

Để giúp các giọng ca trẻ khắc phục phần nào những khuyết điểm, tránh bớt những lỗi thường gặp trong khi thể hiện các bài hát, Giai Điệu Xanh đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Quốc Dũng, người đã điều kiện làm việc với nhiều thế hệ ca sĩ đã thành danh trên sân khấu cũng như trong phòng thu, xoay quanh chuyện làm thế nào để ca sĩ trẻ hoàn thiện giọng hát của mình?


-Sân khấu ca nhạc xuất hiện ngày càng nhiều những giọng ca mới. Theo anh, các giọng ca trẻ hiện nay có những khó khăn cũng như thuận lợi gì so với lớp ca sĩ thời trước?

-NS Quốc Dũng: Ca sĩ trẻ vào nghề ca hát bây giờ vừa dễ vừa khó. Dễ vì có nhiều cơ hội, có phương tiện đầy đủ, phong phú, nhưng khó vì tính cạnh tranh nghề nghiệp ngày càng quyết liệt, gay go và môi trường cạnh tranh cũng khá phức tạp.

Hồi xưa giả sử một ca sĩ có giọng tốt, chỉ cần hát nghe được đã có cơ may xuất hiện trên sân khấu, nếu tạo được sự chú ý ít nhiều thì tên tuổi sẽ dễ dàng được khẳng định. Trước đây, Đài phát thanh ít, Đài truyền hình cũng chỉ vài kênh, nên nếu có cơ hội xuất hiện vài lần đã dễ dàng được công chúng chú ý. Còn bây giờ quá nhiều đài, quá nhiều chương trình, quá nhiều cuộc thi, nên cho dù có xuất hiện năm bảy lần vẫn dễ bị chìm khuất vì bị pha loãng. Nếu một giọng ca không có gì đặc biệt, quả rất khó tạo được ấn tượng, và dĩ nhiên sẽ rất khó tạo dựng được tên tuổi.

Đã thế, khổ nỗi ca sĩ bây giờ lại rất thích bắt chước nhau, bắt chước từ phong cách, ngoại hình, cách hát, kiểu hát. Khác với ca sĩ ngày xưa cứ cất giọng lên, chỉ cần nghe thoáng qua là người nghe nhận ra ngay được nét riêng.

-Anh nói ca sĩ cần có nét riêng, nhưng theo anh, điều gì tạo ra cái nét riêng đó?

-Theo tôi, có cả hai dạng ca sĩ có được nét riêng. Có người nhờ có giọng ca thiên phú nhưng cũng có người do kiên trì tập luyện mà dần dần hoàn thiện và tạo được dấu ấn riêng. Là ca sĩ, nếu có được giọng ca trời cho thì khỏi phải bàn, nhưng đó là dạng đặc biệt. Chúng ta chỉ nên bàn đến dạng phổ biến hơn là dạng ca sĩ nhờ khổ luyện mà thành công. Vấn đề là liệu có thể nhờ khổ luyện mà thành ca sĩ?

Theo tôi, ca sĩ nào theo nghề ca hát, ít nhiều đều có giọng. Điều đáng tiếc là hiện nay các ca sĩ trẻ thích bắt chước, họ thiếu tự tin đến mức chạy theo phong cách của người khác. Điều đó hoàn toàn không nên, cho dù phong cách họ muốn bắt chước có hay đến đâu đi nữa, vì làm như vậy chỉ dồn nhau vào ngõ hẹp. Cách tốt nhất là nên kiên nhẫn, can đảm, tự tin, không bắt chước người khác.

Nếu tự tin vào phong cách của mình, ca sĩ chỉ cần loại bỏ dần những khuyết điểm chung, những chỗ chưa hay. Khi loại bỏ được những cái dỡ thì tự nhiên mình sẽ hay hơn.

- Là người có kinh nghiệm làm việc với ca sĩ nhiều thế hệ khác nhau, nhiều phong cách khác nhau, anh có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm để các ca sĩ trẻ có thể tham khảo?

-Ông bà thường bảo: “Dục tốc bất đạt”. Để hoàn thiện giọng hát, theo tôi, các bạn trẻ không nên mất công tìm cách hát hay ngay từ đầu mà nên làm ngược lại, nghĩa là nên bắt đầu bằng việc nhận diện cho hết những cái dỡ của mình cho thật rõ để tìm cách loại trừ dần. Đó là con đường thực tế dẫn đến cái hay. Giống như người học sáng tác hay hòa âm. Khi học sáng tác hay hòa âm thì hầu như các bậc thầy và sách vỡ trên thế giới thường không dạy viết thế nào cho hay mà thường dạy viết hòa âm thế nào để không bị lỗi.

Khi viết không bị lỗi là đã bắt đầu tiếp cận cái hay. Còn hay như thế nào, hay nhiều hay ít thì tùy thuộc vào năng khiếu, tính cách sáng tạo của mỗi người. Theo thời gian, dần dà sẽ có những thành tựu ở những mức độ khác nhau. Một ca sĩ cũng vậy, muốn hát hay trước hết phải hát sao cho sạch lỗi…

-Anh có thể phân tích cụ thể hơn một số lỗi thường gặp ở các giọng ca mới vào nghề?

-Tôi có nhiều năm làm việc với các ca sĩ thuộc nhiều thế hệ đã thành danh. Tôi thấy mỗi ca sĩ đều có những cái hay riêng, nhưng đồng thời cũng nhận thấy họ cũng còn có những hạn chế nhất định. Chính vì không biết tự khắc phục những hạn chế đó mà họ chưa đạt tới tuyệt đỉnh và đôi lúc còn làm giảm khả năng cạnh tranh.

Có một điêu khắc gia khi được mọi người khen tặng là quá tài. Ông chỉ cười và nói: “thật ra, tôi chỉ bỏ bớt những gì không cần thiết hoặc thừa thải, chứ không có tài cán gì đặc biệt cả”. Môt giọng hát cũng vậy, chỉ cần loại bỏ được phần khuyết điểm là đã làm bộc lộ được cái hay.

Những khuyết điểm thường gặp của các ca sĩ là hát phô, hát không đúng nhịp. Đúng nhịp ở đây là đúng những điểm rơi hợp lý chứ không phải quá máy móc. Nói khác là nhiều ca sĩ thích hát lơi. Đó là một kỹ thuật hát dựa vào nhạc cảm. Lơi nhịp cũng hay, nhưng nếu lạm dụng thì khi nốt nhạc kéo dài qua ô nhịp khác có thể đã chuyển sang một hợp âm khác, nếu lơi kéo dài, nghe dễ bị phô. Nếu cứ lơi suốt bài, người nghe sẽ rất khó chịu. Tôi hiểu là có nhiều người thích nghe hát lơi nhưng cũng có nhiều người khó chịu với lối hát lơi.

Một dạng lỗi khác thường gặp ở các ca sĩ là lỗi phát âm. Vẫn biết tiếng Việt có nhiều phương ngôn, nhiều âm giọng, nhưng không nên lạm dụng cách phát âm rặc địa phương khi hát. Nhiều ca sĩ thường phát âm không rõ nguyên âm, phát âm sai thanh điệu hay dấu giọng. Tỷ lệ ca sĩ phát âm sai dấu giọng chiếm khoảng 1/3. Ví dụ dấu huyền phát âm thành dấu nặng, như chữ “đã” hát thành “đạ”. Lỗi các phụ âm cuối như” thương” hát thành “thươn”...khá phổ biến.

Một khuyết điểm khác là hiện tượng thích ngân giọng. Khuyết điểm khó chịu nhất trong giọng ngân là biên độ vibrato rộng quá. Chuẩn ngân đẹp nhất là của violin (sóng sin).Các nhạc cụ khác như sáo thường dùng dạng ngân theo sóng vuông (lên đột ngột, xuống đột ngột ). Theo tôi, ca sĩ nên bỏ bớt biện độ ngân rộng. Ngân theo violin là ngân cổ (sóng sin), còn ngân theo sáo là ngân bụng (sóng vuông). Nên ngân với biên độ hẹp. Chu kỳ ngân cần phân bổ thời gian cần hợp lý. Tránh quá nhặt nghe như run hay quá thưa sẽ nghe như bị rên. Ca sĩ nên tập cả hai kiểu ngân, ngân cổ và ngân bụng. Chỉ nên ngân ở cuối câu nhạc có nốt kéo dài, nhưng trước khi ngân nên giữ ổn định âm thanh rồi sau đó mới ngân. Nhiều ca sĩ hát rất hay nhưng đôi khi vẫn rất máy móc vì khi bật chữ ra là rung giọng!...

Các khuyết điểm khác thường liên quan đến việc xử lý cường độ. Khi hát phải có chữ lớn chữ nhỏ để tạo sự tương phản và diễn tả các sắc thái cảm xúc tinh tế. Nó liên quan đến ý nghĩa của câu, của từ, thông thường, nên nhấn mạnh các động từ, không nên cường điệu các danh từ, đại danh từ. Mỗi câu là một thông điệp, trong đó, động từ là hạt nhân của câu. Nhưng nói như thế cũng không có nghĩa là động từ nào cũng cần nhấn mạnh vì nếu thế sẽ dễ trở nên nhàm chán…

-Để thể hiện thành công một ca khúc, chắc chắn không chỉ cần giải quyết vấn để kỹ thuật. Dường như đó mới chỉ là phần “xác”, thể hiện được phần “hồn” mới là chuyện khó hơn?

-Đúng vậy, thiếu rèn luyện về kỹ thuật, đặc biệt là nếu còn phạm nhiều lỗi kỹ thuật thanh nhạc thì khó lòng thể hiện thành công một ca khúc. Tuy nhiên hát không chỉ là câu chuyện kỹ thuật thanh nhạc mà điều quan trọng là mỗi ca sĩ còn phải có được một cách thể hiện rất riêng trong việc chuyển tải được nội dung cảm xúc của thông điệp bài hát đến người nghe, nghĩa là phải lột tả được cái "hồn vía" của bài hát …

Hát trên sân khấu & hát trong phòng thu

-Khắc phục được những lỗi thường gặp như hát phô, sai nhịp, phát âm chưa chuẩn, ngân giọng chưa đúng cách,…đúng là bước cơ bản trong việc hoàn thiện giọng hát của mình. Nhưng để tạo được nét riêng và phát huy được thế mạnh riêng của giọng, ca sĩ còn phải nắm vững đặc trưng phong cách âm nhạc của dòng nhạc mình thể hiện. Anh nghĩ gì về điều này?


-Khi hát một bài hát, ca sĩ phải hiểu bài hát thuộc dòng nhạc nào, loại nhạc nào, phong cách nào.Nếu ca sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm, cách đơn giản nhất là nên nhờ một nhạc sĩ có thâm niên nghề nghiệp gợi ý cách hát bài hát đó theo phong cách nào, thể loại nào. Nhưng ngày thường, mỗi ca sĩ cũng nên dành thời gian nghe nhạc. Nhạc cổ điển, nhạc cận đại, nhạc country, jazz,rock…để tự cảm nhận những nét đặc trưng riêng của mỗi dòng nhạc. Việc nắm vững nét đặc trưng của các dòng nhạc khác nhau sẽ mở ra cho ca sĩ nhiều cách xử lý sáng tạo trong việc cover lại những ca khúc nổi tiếng theo những phong cách mới mang nét riêng của mình…

-Với tư cách là nhạc sĩ, anh thường tìm kiếm ca sĩ để thể hiện ca khúc của mình theo những tiêu chí nào?

-Ban nãy tôi nói về các khuyết điểm thường gặp của ca sĩ, giờ tôi muốn nói từ góc độ của những người tìm kiếm, khám phá những giọng ca mới như các nhạc sĩ, các ông bầu. Có nhiều khi bất chợt đi nghe nhạc, mình tưởng là nghe được một giọng ca hay. Nhưng thật ra, nhận xét về một giọng ca trong môi trường nhạc sống thường bị tác động bởi nhiều yếu tố khác của môi trường biểu diễn. Nhưng khi mời về phòng thu sẽ dễ cảm thấy thất vọng.

Sở dĩ có hiện tượng đó là vì ở sân khấu, ca sĩ thường phải cường điệu hóa để gây sốc và tạo sự chú ý, nhưng khi nghe qua thu âm ở nhà thì rất khác, người nghe cần sự tinh tế. Ngược lại, nếu mang những kỹ thuật tinh tế ở phòng thu ra thể hiện ở sân khấu thường không mang lại hiệu quả, mặc dù kỹ thuật này lại thành công khi thu âm, vì ở sân khấu, cần có sự cường điệu hơn ở phòng thu mới tạo được hiệu quả. Nói ngắn gọn, cần phân biệt kỹ thuật hát ở sân khấu và kỹ thuật hát ở phòng thu.

Một ca sĩ thực thu phải nắm vững được những đặc điểm của không gian thể hiện. Nếu ở sân khấu cần sự cường điệu thì ở phòng thu lại cần sự tinh tế. Nếu ca sĩ cứ tưởng phải gào mới hay thì khi vào phòng thu vận dụng thói quen đó sẽ chuốc lấy thất bại. Elvis Phương thành công ở sân khấu, nhưng Thái Châu lại thành công trong thu âm. Ngọc Lan hát ở sân khấu không thành công nhưng thu âm lại rất được thính giả ưa thích.

Nhạc sĩ tìm ca sĩ thể hiện thường thích tìm giọng ca khỏe, dày nhưng nếu đó là một ca khúc cần sự tinh tế thì coi như hỏng bài.

-Anh có thể nói rõ hơn về sự khác biệt giữa cách hát trên sân khấu và cách hát ở phòng thu?

-Ở phòng thu khác với sân khấu vì có máy móc hỗ trợ, nhưng cũng không nên nghĩ rằng vào phòng thu thì giọng dỡ cũng thành giọng hay. Tham quan các phòng thu, tôi thấy ở các phòng thu đều có máy compressor giống như cái ổn áp, khi hát nhỏ quá máy sẽ làm lớn lên, nếu hát lớn quá máy sẽ làm nhỏ bớt lại. Compressor là nén lại, giọng mỏng có thể trở nên dày. Ca sĩ muốn thu âm không sợ giọng mỏng. Giọng mỏng hát sân khấu có thể thất bại nhưng khi thu âm giọng vẫn có thể được nâng lên. Ca sĩ thượng thặng thường muốn bớt tiếng echo để tự lột tả những sắc thái tinh tế. Trong phòng thu thường cũng để ít echo nên nghe chữ rõ. Khi thu tôi không sợ giọng mỏng, chỉ sợ hát phô, phát âm lỗi, giọng mỏng có thể làm đầy. Tiếng cymbal mỏng nhưng rất nét. Hát sân khấu phải luyện thể lực. Cần giọng khỏe nhưng khi hát không phải rống lên mà hát bình thường, làm chủ âm lượng. Nên bớt đưa hơi lên mũi. Các ông bầu khám phá giọng ca mới đừng sợ giọng mỏng. Đừng quên Than trong thiên nhiên có thể nén thành Kim cương.

-Với những ca sĩ chọn dòng dân ca hoặc những bài hát mang âm hưởng dân ca đương đại, anh có lời khuyên nào dành cho họ?

-Tôi nghĩ các ca sĩ hát dân ca không nên địa phương hóa cách hát, lạm dụng cách phát âm địa phương mà nên ý thức là mình hát những bài hát mang âm hưởng dân ca để phổ quát cho người nghe toàn quốc. Ví dụ khi hát nhạc Huế. Chữ “Huế” cứ hát rõ chứ không nhất thiết phải hát thành “Huệ”. Bảo Yến hát nhạc Huế nhưng rất popular chứ không quá nặng, chỉ giữ những chữ giai điệu có luyến láy. Ngôn ngữ, ca từ là cái chở giai điệu, do vậy không nên làm tình làm tội giai điệu, bóp méo giai điệu.

-Từng làm việc với các giọng ca thuộc nhiều thế hệ, anh có thể đúc kết vài kinh nghiệm quý báu từ các giọng ca thành danh của Việt Nam ?

-Nghiên cứu cách hát thành công của các giọng ca thành danh cũng là cách học tập cần thiết và bổ ích đối với các ca sĩ trẻ. Tôi chỉ muốn nêu những giọng ca có nhiều khán giả ưa thích nhưng không bị khán giả phản ứng như Hương Lan, Bảo Yến, Khánh Hà. Nam như Tuấn Ngọc, Quang Dũng . Còn những giọng ca như Đàm Vĩnh Hưng tuy được nhiều người thích nhưng cũng không thiếu những kẻ không thích.

Giọng ca Hương Lan có ưu điểm về phát âm, cao độ tốt, nhạc cảm vừa phải, lơi hợp lý, chất giọng thiên phú, âm vực mì - đố rất chuần, giọng ngân tốt, luyến láy đúng liều lượng, nhưng đôi khi hơi thừa. Bảo Yến hơi tiết kiệm luyến láy. Điều đó tùy thuộc quan điểm thẩm mỹ của mỗi người. Theo tôi, về phương diện phát âm tiếng Việt, tôi chọn Bảo Yến là người khai phá tuyệt vời. Trước Bảo Yến có nhiều ca sĩ không phân biệt s/x, tr/ch, r/gi,…Bảo Yến phát âm các phụ âm tuyệt đối đúng. Tôi nghĩ các ca sĩ nếu yêu tiếng Việt và muốn người nước ngoài nghe hát có thể học tiếng Việt nên nghiên cứu cách phát âm đó. Bảo Yến hát cũng đúng nhịp, lơi vừa phải, tiết kiệm luyến, không lạm dụng. Khi hát sân khấu, giọng Bảo Yến rất khỏe nhưng khi vào phòng thu hát rất tinh tế. Hát bình thường như đang trò chuyện hay đang tỏ tình. Chỉ luyến láy khi thật cần thiết còn bình thường hát thẳng đuột. Bằng Kiều cũng hát thẳng đuột kiểu như tiếng kèn. Sau này tôi biết đúng là Bằng Kiều có học kèn. Ưu điểm của giọng hát Bằng Kiều là anh hát rất mềm nhưng có nhưng chỗ đột nhiên có những cú “bắn phá” rất lạ.

Giọng Tuấn Ngọc có vẻ như một giọng ca thiên phú hơn là khổ luyện. Cách hát giản dị, thể hiện cuộc đời một cách giản dị. Hạnh phúc quá lớn cũng bình thản, đau khổ cũng bình thản. Có lẽ chính thái độ bình tĩnh trước mọi biến động của đời sống, đón nhận mọi cảnh ngộ một cách bình thản đã làm nên hồn vía tiếng hát Tuấn Ngọc. Khánh Hà đôi khi hơi nức nở. Sau này có Quỳnh Lan cũng vận dụng cách hát này. Nếu Quỳnh Lan biết tiết chế bớt tính chất nức nở, tôi nghĩ cô sẽ thành công hơn.

Mỗi ca sĩ đều có những con đường riêng, những cách hoàn thiện giọng hát riêng theo hoàn cảnh, thời gian. Có hai dạng ca sĩ: ca sĩ có giọng ca thiên phú và ca sĩ có chất giọng tốt nhờ biết khổ luyện mà thành công. Có nhiều phương pháp để hoàn thiện giọng ca, nhưng phương pháp thiết thực nhất vẫn là nhận diện thật rõ những khuyết điểm, những lỗi mình thường mắc phải và kiên trì tìm cách hạn chế, khắc phục. Một khi đã loại được những cái dỡ là đã bắt đầu hay hơn. Và một khi tự mình bắt đầu phân biệt được cái hay cái dỡ của mình cũng như của người, cùng với quá trình nghe nhạc, nắm vững những đặc trưng của từng dòng nhạc, từng phong cách âm nhạc, học hỏi được thêm những kỹ thuật phù hợp với giọng của mình, dần dà ca sĩ sẽ tạo đượng nét riêng cho mình.

Hy vọng qua những trao đổi cụ thể với nhạc sĩ Quốc Dũng, các ca sĩ trẻ sẽ rút được những kinh nghiệm bổ ích cho nghề nghiệp của mình!
 
Sửa lần cuối:

LƯU Ý VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

Xin quý vị đăng ký tên thành viên là tên riêng cá nhân hoặc biệt danh, đúng tiếng Việt (có dấu đầy đủ), không viết tắt, không kèm số, không kèm tiếng nước ngoài, không trùng tên nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ hoặc những người nổi tiếng và có ảnh chân dung đại diện (avatar thành viên). Chúng tôi sẽ xóa tên thành viên đăng ký không theo đúng các yêu cầu này.

LƯU Ý THÊM

Nhà cung cấp (Chúng Tôi) của dịch vụ cung cấp bởi trang web này (Dịch Vụ) không chịu trách nhiệm bất kỳ nội dung nào của thành viên (Nội Dung). Nội Dung được đăng chỉ thể hiện quan điểm của tác giả.
Top