Chào mừng quý vị đến với diễn đàn

THẨM MỸ ÂM NHẠC

Gợi ý trong việc cân chỉnh âm thanh nhạc trên vi tính. Biết chăm chút âm thanh cho nhạc đệm vi tính

admin

Đắc Tâm
Thành viên BQT
Tham gia
16/8/18
Bài viết
1,341
Điểm
113
Tuổi
71
Nơi ở
Saigon
Website
www.thammyamnhac.com
(Gợi ý sau đây cũng có thể là "Giáo Trình Hướng Dẫn Cân Chỉnh Âm Thanh" theo cách của Đắc Tâm và cũng là góp ý cho những người soạn nhạc trên vi tính thường không hiểu gì nhiều về âm thanh)

TRÌNH TỰ CÂN CHỈNH ÂM THANH

Soạn nhạc, làm hòa âm trên vi tính với nhạc cụ ảo nhưng không biết cân chỉnh âm thanh cho đàng hoàng thì làm giảm đi phần nào chất lượng bản hòa âm. Điều mà hiếm người làm âm thanh biết: một nền nhạc đệm tồi - âm thanh gom giữa, um, to ồn, mờ nhòa, vang vọng, chát chúa, sẽ ảnh hưởng tồi đến giọng hát cho dù giọng hát được thu âm với micro và preamp chuyên nghiệp đắt tiền cách mấy đi chăng nữa.

I. Yêu cầu về phần cứng:

– audio interface 44.1/48kHz 24bit
– 2 loa kiểm âm có độ nhạy tần số 40/50Hz~20kHz được bố trí với khoảng cách tạo thành hình tam giác đều với người cân chỉnh âm thanh

Vi tri loa kiem am-3.jpg

– máy vi tính với phần mềm làm âm thanh chuyên nghiệp như: Nuendo, Cubase, Studio One, Pro Tools...

vi tri dat monitors.jpg

II. Yêu cầu về tai nghe:

Để có thể cân chỉnh tốt âm thanh thì người cân chỉnh phải biết phân biệt:

– độ dầy nặng khác với độ đục um ồn
– độ nét, trong sáng khác với độ chát chúa chói tai
– phân biệt được âm sắc các nhạc cụ và giọng hát
– nghe (và “thấy trước mắt”) 3 chiều âm thanh: rộng, cao, sâu

Không biết nghe âm thanh theo các yêu cầu trên thì không nên làm âm thanh.

Nghe mẫu âm thanh ồn, đục, um, nhòa, nghẹt, chát chúa:


Nghe mẫu âm thanh trong sáng, nét và tinh tế:


III. Yêu cầu về trình độ sử dụng các hiệu ứng âm thanh:

Người cân chỉnh âm thanh, ngoài việc phải nắm rõ tính năng kỹ thuật của phần mềm làm âm thanh, cần phải hiểu rõ cách cân chỉnh và tinh chỉnh các hiệu ứng âm thanh sau:

1. Âm lượng (volume, gain)
2. Chiều rộng/vị trí nguồn âm thanh từ trái qua phải giữa 2 loa (pan, panpot)
3. Hiệu ứng nén âm thanh-Compressor
4. Cân bằng âm sắc-Equalizer (EQ)
5. Hiệu ứng trễ âm-Delay
6. Hiệu ứng vang-Reverb

Không hiểu thật rõ công năng của từng thông số của các hiệu ứng âm thanh thì sẽ chỉ là cân chỉnh theo kiểu dọ dẫm theo cảm tính tai nghe.

Thắc mắc của tôi: ở Việt Nam, có bao nhiêu nhạc sĩ và người được gọi là "chuyên nghiệp soạn hòa âm" hiểu âm thanh như trong phần II và hiểu công năng các hiệu ứng âm thanh như trong phần III? Vì theo tai nghe của tôi, ngoài các ca khúc do tôi cân chỉnh từ các tracks audio gốc được đăng trong diễn đàn này và đã phát hành audio CD, thì chưa có một audio CD ca nhạc nào khác được cân chỉnh âm thanh đúng đắn: đầy đặn, trong sáng, rõ nét, tinh tế và có không gian 3D. Toàn bộ âm thanh của những audio CD này giống như nhau - không nhiều thì ít: đục, um ù, to ồn, nhòa nhoẹt, ngợp nghẹt, vang vọng và gom giữa mà tôi gọi là âm thanh mono giả stereo, chủ yếu do chất lượng kém của nền nhạc đệm.

Nhưng có lẽ chất lượng âm thanh tồi tệ như vậy được cân chỉnh theo yêu cầu của người đặt hàng, tức là ca sĩ và nhạc sĩ sáng tác ca khúc? Tôi đã từng được yêu cầu thực hiện như vậy, nhưng bây giờ thì tôi từ chối thẳng thừng không làm theo kiểu nghe mà tôi xem là ngu dốt về thẩm mỹ âm thanh.


IV. Trình tự cân chỉnh âm thanh nhạc đệm:

Ai làm nhạc trên vi tính với nhạc cụ ảo phải hiểu điều hiển nhiên này: trong thực tế, tất cả các loại âm thanh đều là mono, không bao giờ có âm thanh stereo. Cho nên, nếu cân chỉnh âm thanh các nhạc cụ ảo theo nguyên gốc stereo (vì đã được xử lý bằng các hiệu ứng reverb trong VSTi) thì chắc chắn là tổng thể âm thanh nhạc đệm sẽ nhòa vì reverb chồng lên reverb. Hơn nữa, cách cân chỉnh âm thanh trên vi tính với các tracks stereo nhạc cụ ảo có hiệu ứng âm thanh sẳn, chứng tỏ sự non kém về tai nghe và trình độ yếu kém về kỹ thuật cân chỉnh âm thanh có không gian 3 chiều đúng đắn.

1. Loại bỏ tất cả hiệu ứng được cài sẳn cho nhạc cụ ảo và xuất tất cả các tracks audio stereo nhạc cụ ảo thành mono.

2. Sắp xếp lại trật tự các tracks nhạc cụ theo sở thích của người cân chỉnh âm thanh miễn sao tiện cho việc thao tác xử lý. Có thể xếp theo thứ tự quan trọng của nhạc cụ từ trên xuống dưới. Còn tôi, tôi xếp nhạc cụ theo âm sắc từ cao xuống thấp.

3. Cho phát âm thanh (play) bản nhạc đệm gốc để nghe mà chỉnh lại âm lượng (volume, gain) các nhạc cụ cho cân nhau và bố trí nhạc cụ trong không gian giữa 2 loa (pan). Chỉnh bằng volume hoặc trực tiếp trên tín hiệu audio (tôi chuộng cách tăng giảm âm thanh trực tiếp ngay trên data audio vì việc cân chỉnh compressor sẽ chính xác hơn).

4. Vì âm thanh nhạc cụ ảo sạch nên không cần phải chăm chút gọt dũa tạp âm như đối với âm thanh nhạc cụ thu thật mà phải cân chỉnh lại âm sắc của từng nhạc cụ cho rõ nét bằng compressor và EQ. Compressor định hình rõ nhạc cụ và EQ giúp nhạc cụ được rõ nét hơn.

Nên biết là tất cả âm thanh nhạc cụ ảo đều được nhà sản xuất xử lý EQ sao cho âm thanh nhạc cụ này nghe đầy đặn. Cái "đầy đặn" này đồng nghĩa với sự "hiện diện" của tần số âm thanh dưới 60Hz! Nếu không biết cắt tần số thấp của từng nhạc cụ thì theo mặc định, âm thanh tổng thể của bản nhạc đệm sẽ...um ù do nhiều tần số thấp chồng lên nhau.

5. Cuối cùng là thêm delay, reverb cho từng nhạc cụ đồng thời chỉnh lại âm lượng, âm sắc các nhạc cụ (bằng automation) để tạo ra không gian âm thanh cho bản nhạc đệm và tránh âm thanh nhạc cụ che nhau (masking). 2 thủ pháp để âm thanh nhạc cụ không che nhau: dùng pan để phân vị trí, để nhạc cụ không đè nhau và dùng EQ để nhạc cụ nhường nhau âm sắc.

6. Khi đã hài lòng với tổng thể âm thanh bản nhạc đệm thì có thể làm hoàn chỉnh tạm (pre-master), nếu thích, cho âm thanh rõ nét và nặng chắc hơn và xuất ra track stereo theo chuẩn: 44.1kHz 24bit với plugin Dither. Nếu bản nhạc đệm được soạn với gốc âm thanh là 48kHz hoặc 96kHz thì xuất cùng sampling rate này với bit depth là 24bit (32 bit float chỉ hữu dụng khi cân chỉnh âm thanh trong phần mềm mà thôi).
 

Đính kèm

  • Duc Um Chat Chua Nhoa.wav
    3.4 MB · Lượt xem: 458
  • Net Trong Sang Tinh Te.wav
    7.2 MB · Lượt xem: 492
Sửa lần cuối:

Trần Lê Duy

New member
Tham gia
20/9/20
Bài viết
4
Điểm
3
Cám ơn chú về chia sẻ chi tiết và đầy tâm huyết..những bài học tuy đơn giản nhưng lại là cái tối thiểu để tiến tới cái hay mà thường người ta lại bỏ qua..
 

LƯU Ý VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

Xin quý vị đăng ký tên thành viên là tên riêng cá nhân hoặc biệt danh, đúng tiếng Việt (có dấu đầy đủ), không viết tắt, không kèm số, không kèm tiếng nước ngoài, không trùng tên nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ hoặc những người nổi tiếng và có ảnh chân dung đại diện (avatar thành viên). Chúng tôi sẽ xóa tên thành viên đăng ký không theo đúng các yêu cầu này.

LƯU Ý THÊM

Nhà cung cấp (Chúng Tôi) của dịch vụ cung cấp bởi trang web này (Dịch Vụ) không chịu trách nhiệm bất kỳ nội dung nào của thành viên (Nội Dung). Nội Dung được đăng chỉ thể hiện quan điểm của tác giả.
Top